1
Bạn c�n h� tr�?

Các bước cơ bản để đăng ký nhãn hiệu

Các công việc thực tế do các Cơ quan nhãn hiệu thực hiện là khác nhau giữa các nước, nhưng về cơ bản tất cả các Cơ quan nhãn hiệu đều tuân thủ một quy trình tương tự nhau, cụ thể như sau:

a. Đơn đăng ký

Một mẫu đơn đăng ký nhãn hiệu cần được điền đầy đủ, cùng các tài liệu tối thiểu theo quy định của pháp luật phải được nộp cho Cơ quan nhãn hiệu quốc gia. Cơ quan đó thường được thành lập và có các chức năng theo quy định của pháp luật về nhãn hiệu của quốc gia có liên quan.

b. Thẩm định hình thức

Cơ quan Nhãn hiệu quốc gia kiểm tra đơn để bảo đảm rằng đơn đáp ứng đầy đủ các yêu cầu hành chính hoặc thủ tục, ví dụ, phí đã được nộp, đơn được điền một cách đầy đủ và chính xác.

c. Thẩm định nội dung

Theo pháp luật về nhãn hiệu, tất cả Cơ quan Nhãn hiệu đều tiến hành thẩm định nội dung để kiểm tra xem nhãn hiệu đã được nộp có thỏa mãn các yều cầu về căn cứ tuyệt đối không mà theo đó, một số loại nhãn hiệu có thể bị từ chối đăng ký. Căn cứ tuyệt đối được áp dụng ở các nước là khác nhau.

Ngoài ra, ở nhiều nước, pháp luật về nhãn hiệu yêu cầu Cơ quan Nhãn hiệu phải xác minh nếu nhãn hiệu trong đơn được nộp xung đột với nhãn hiệu đã được đăng ký trong (các) phân loại về hàng hóa và dịch vụ có liên quan. Điều này được gọi là thẩm định trên cơ sở tương đối. Các yếu tố chính được các thẩm định viên nhãn hiệu hoặc luật sư xem xét để quyết định xem liệu có khả năng gây nhầm lẫn hay không là: (1) sự giống nhau của các nhãn hiệu, và (2) mối quan hệ thương mại giữa hàng hóa hoặc/và dịch vụ được liệt kê trong đơn.

Để tìm ra sự xung đột, nhãn hiệu phải không được giống nhau và hàng hóa và/hoặc dịch vụ cũng không được giống nhau. Có thể kết luận là có xung đột nếu nhãn hiệu là tương tự nhau và hàng hoá hoặc/và dịch vụ có liên quan với nhau. Nếu có xung đột giữa nhãn hiệu trong đơn được nộp và nhãn hiệu đã được đăng ký, thẩm định viên sẽ từ chối đăng ký nhãn hiệu với lý do có khả năng gây nhầm lẫn. Nếu có sự xung đột giữa nhãn hiệu trong đơn được nộp và nhãn hiệu đã được nộp trước đó, thì thẩm định viên nhãn hiệu hoặc luật sư sẽ thông báo cho người nộp đơn (sau) về khả năng xung đột. Nếu nhãn hiệu trong đơn nộp trước đó được đăng ký thì nhãn hiệu trong đơn được nộp sau đó sẽ bị từ chối với lý do có khả năng gây nhầm lẫn.

Việc đăng ký nhãn hiệu cũng có thể bị từ chối, tuỳ thuộc vào các quy định chính xác của pháp luật về nhãn hiệu có liên quan và Quy chế thẩm định dành cho các thẩm định viên nhãn hiệu hoặc luật sư, nếu, ví dụ, nhãn hiệu đó được coi là xung đột với một nhãn hiệu nổi tiếng hoặc trở thành tên gọi chung hoặc có tính mô tả hoặc có tính lừa dối về bản chất của hàng hoá hoặc xuất xứ của hàng hóa, hoặc đơn giản chỉ là tên gọi của một dòng họ hoặc chỉ là yếu tố có tính trang trí.

d. Công bố và phản đối

Ở nhiều nước, nhãn hiệu trong đơn được nộp phải được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp hoặc tạp chí chính thức để cho người bất kỳ có thể phản đối việc đăng ký nhãn hiệu đó trong một khoảng thời gian nhất định. Ở các nước khác, nhãn hiệu cũng được hoặc chỉ được công bố chỉ sau khi đã được chấp nhận đăng ký và cho phép phản đối sau đó để hủy bỏ đăng ký, trong thời hạn quy định. Nếu nhãn hiệu không bị phản đối hoặc nếu phản đối không thành công, nhãn hiệu đó sẽ được đăng ký.

e. Đăng ký

Khi đã được xác định là không có căn cứ để từ chối, nhãn hiệu sẽ được đăng ký và Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sẽ được cấp và có hiệu lực trong 10 năm.

f. Gia hạn

Nhãn hiệu đã được đăng ký có thể được gia hạn nhiều lần bằng cách nộp phí gia hạn theo quy định. Tuy nhiên, đăng ký nhãn hiệu có thể bị hủy bỏ đối với một số hoặc tất cả hàng hoá hoặc dịch vụ nếu nhãn hiệu không được sử dụng trong một thời hạn nhất định theo quy định của pháp luật về nhãn hiệu có liên quan.

Tham khảo thêm

1. Tra cứu nhãn hiệu

Hàng triệu nhãn hiệu đang được sử dụng trên toàn thế giới. Có thêm rất nhiều nhãn hiệu mới được đăng ký trên thế giới mỗi ngày. Vì vậy, ngày càng khó hơn để tìm ra một nhãn hiệu mới, đặc biệt là nhãn hiệu từ ngữ mà không trùng hoặc không tương tự với một nhãn hiệu hiện có được sử dụng cho sản phẩm giống nhau hoặc có liên quan. Do vậy, trước khi sử dụng hoặc dự định đăng ký nhãn hiệu, bạn nên làm rõ nhãn hiệu đã được lựa chọn bằng cách thực hiện việc tra cứu hoặc tìm kiếm một nhãn hiệu phù hợp.

2. Sửa đổi nhãn hiệu

  • Nếu cấu trúc của nhãn hiệu thay đổi thì có thể phải đăng ký lại theo phiên bản mới của nhãn hiệu.
  • Không có sự hạn chế đối với việc sửa đổi và chỉnh sửa nhãn hiệu, tuy nhiên một doanh nghiệp hoạt động ở phạm vi thế giới thì nên tham khảo ý kiến của Cơ quan nhãn hiệu có liên quan hoặc tổ chức dịch vụ về nhãn hiệu chuyên nghiệp để xác định các chi phí và thủ tục liên quan đến việc đăng ký những thay đổi về nhãn hiệu.
  • Việc sửa đổi nhãn hiệu phải phù hợp với tính chất của sản phẩm và không chỉ đơn giản được thực hiện vì lợi ích của quan điểm thẩm mỹ hiện đại vì luôn luôn tiềm ẩn nguy cơ gây ra nhầm lẫn cho người tiêu dùng trung thành.
  • Ngày nay, một số biến thể của nhãn hiệu thường được tạo ra ngay từ đầu, ví dụ, để sử dụng trong các phương tiện truyền thông khác nhau. Để đáp ứng những nhu cầu đó, trong những năm gần đây, nhiều Cơ quan nhãn hiệu đã cho phép đăng ký các biến thể của một nhãn hiệu trong một đơn đăng ký duy nhất.
You are here:

Khách hàng tiêu biểu